Khác với đường bộ, chỉ kiểm tra nồng độ cồn đối với người trực tiếp điều khiển phương tiện, trên tuyến đường thủy, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra tất cả các thuyền viên có trách nhiệm trong ca làm việc bao gồm thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên,....
Qua công tác kiểm tra, hầu hết các thuyền viên đều chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông thủy, nhất là không vi phạm về nồng độ cồn. Từ đầu năm 2025 đến nay, Đội Cảnh sát đường thủy đã tiến hành tổng kiểm soát, kiểm tra, xử lý người điều khiển và thuyền viên tham gia giao thông đường thủy. Đây là kết quả tích cực cho những nỗ lực của cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát đường thủy trong thời gian qua khi kết hợp giữa công tác xử lý nghiêm hành vi vi phạm với việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục về hậu quả mà hành vi vi phạm này có thể gây ra.
Về quy định xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường thủy, căn cứ Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Ở mức cao hơn, nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở mức phạt sẽ từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 01 tháng đến 02 tháng.
Trường hợp vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở, mức xử phạt từ 20 triệu đến 35 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 2 tháng đến 4 tháng.
Từ nay đến cuối năm, lực lượng Cảnh sát đường thủy sẽ duy trì thường xuyên chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn trên các phương tiện giao thông đường thủy nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn có nguyên nhân liên quan đến rượu, bia. Bên cạnh việc kiểm tra xử lý vi phạm, Đội Cảnh sát đường thủy cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và đặc thù sông nước, tổ chức các Hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thuyền trưởng và các thủy thủ khi tham gia giao thông.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức tự giá chấp hành pháp luật; mỗi phương tiện hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh. Khi đưa phương tiện hoạt động trên sông phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa, thường xuyên kiểm tra, trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn; khi đã sử dụng rượu, bia thì không điều khiển phương tiện trên đường thủy để phòng tránh tai nạn.
-