Tin giao thông

Đèn đỏ là được rẽ phải” – thói quen sai lầm dẫn đến vi phạm Luật giao thông 11/06/2024

Nhiều người khi tham gia giao thông có thói quen khi đến giao lộ nhìn thấy đèn đỏ sẽ mặc định được rẽ phải

Tuy nhiên không phải ai cũng biết trong một số trường hợp người điều khiển phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. “Đèn đỏ thì cứ rẽ phải thôi Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ không phạt đâu”, “Có kì lạ không khi đứng chờ đèn đỏ mà có thể rẽ phải ngay trước mặt?”,… là những câu nói quen thuộc của đại đa số những người tham gia giao thông trên đường. Hay thậm chí chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh tượng người phía sau bấm còi inh ỏi chỉ vì muốn người phía trước nhường đường cho mình để rẽ phải mà không cần quan tâm đèn tín hiệu giao thông đang là đèn đỏ hay đèn xanh. Vậy làm sao để nhận biết những trường hợp đó? Sau đây là những trường hợp người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn tín hiệu giao thông chuyển đỏ:

1. Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Được quy định tại Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật 41:2019/BGTVT, người tham gia giao thông phải tuân thủ hệ thống báo hiệu đường bộ theo thứ tự hiệu lực như sau:

          Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Hiệu lệnh của đèn tín hiệu; Hiệu lệnh của biển báo hiệu; Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Ngoài ra, khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.

Như vậy, khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải.

      (Nguồn internet: Nữ chiến sỹ CSGT đang tiến hành phân luồng xe)

2. Có biển báo phụ hoặc đèn tín hiệu ưu tiên màu xanh cho phép rẽ phải

Biển báo phụ cho phép rẽ phải có hình chữ nhật, thường gắn ngay dưới cột đèn tín hiệu, có nền xanh chữ trắng có ghi nội dung cho các phương tiện được phép rẽ phải. Còn đèn tín hiệu phụ có hình mũi tên xanh. Cả 2 thường được lắp ngay bên dưới hoặc bên cạnh đèn tín hiệu giao thông thông thường để người tham gia giao thông dễ dàng quan sát thấy.

(Nguồn internet)

3. Vạch mắt võng kết hợp có kết hợp mũi tên chỉ dẫn rẽ phải

Vạch kẻ kiểu mắt võng có màu vàng, được đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường đi. Vạch này được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. Người tham gia giao thông khi đi trên vạch mắt võng này có mũi tên chỉ dẫn rẽ phải thì buộc phải rẽ phải, không được dừng hay đỗ xe.

(Nguồn internet)

4. Tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông: 

Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện sẽ được rẽ phải ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ.

Trên đây là các trường hợp người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn tín hiệu giao thông màu đỏ mà không bị xử lý hành chính. Tuy nhiên người tham giao giao thông cần lưu ý dù ở bất kì trường hợp nào vẫn luôn phải chú ý quan sát, làm chủ tay lái và tốc độ, nhường đường cho người đi bộ.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), để phản ánh về tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn đơn vị, người dân liên hệ qua số điện thoại trực ban Đội CSGT An Lạc: 02837.602.599 để được tiếp nhận và xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng./.

Bình luận: ()


Tối đa: 1000 ký tự

    Tin đã đưa

    • DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG
    • Thư viện video
    LIÊN KẾT WEBSITE
    Thống kê truy cập

    Đang truy cập:

    Tổng: