Tin giao thông

Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông 20/05/2025

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy điều khiển giao thông, chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, … mà còn phải tuân thủ một số nguyên tắc nhường đường đã được Luật TTATGT đường bộ quy định.

Một số nguyên tắc nhường đường được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 

Quy tắc nhường đường tại nơi đường giao nhau

Căn cứ theo Điều 22  quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau như sau:         

Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

1. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên với đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh với đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới;

2. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;


           3. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên trái.

Ùn tắc giao thông nghiêm trọng do không ai chịu nhường đường (Ảnh minh họa)

Một số quy tắc nhường đường khác khi tham gia giao thông

- Căn cứ Điều 17 quy định về tránh xe đi ngược chiều như sau:

1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.

2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau bao gồm:

a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe đi ngược chiều;

b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe lên dốc;

c) Xe có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật phía trước.

Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe lên dốc (Ảnh minh họa)

- Tại điểm a Khoản 1 Điều 25 quy định “Người lái xe trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, quan sát xe phía sau bảo đảm khoảng cách an toàn mới cho xe nhập vào làn đường sát bên phải, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc;

Từ đường nhánh nhập vào đường dẫn cao tốc (Ảnh minh họa)

- Tại Khoản 4 Điều 14 quy định “ Khi có xe xin vượt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía trước phải quan sát phần đường phía trước, nếu đủ điều kiện an toàn thì phải giảm tốc độ, có tín hiệu rẽ phải để báo hiệu cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phía sau biết được vượt và đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được cản trở đối với xe xin vượt”

Quy định nhường đường và quyền ưu tiên của một số loại xe

Căn cứ Điều 27 quy định:

1. Xe ưu tiên gồm xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

2. Xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

a) Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;

b) Xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;

c) Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

Đoàn xe đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

- Tại Khoản 5 Điều 27 quy định “Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.


Lợi ích của văn hóa nhường đường:

Chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ băng sang đường nơi có vạch kẻ đường dành dành cho người đi bộ qua đường; (Ảnh minh họa)

Đảm bảo an toàn: Nhường đường giúp hạn chế va chạm và tai nạn giao thông, đặc biệt là ở các nơi giao nhau, nơi có vạch kẻ đường cho người đi bộ, hoặc khi chuyển hướng. 

Giảm tắc đường: Nhường đường một cách hợp lý giúp lưu thông trở nên dễ dàng hơn, tránh được việc nhiều xe cùng tranh nhau và gây ra ùn tắc. 

Tôn trọng người khác: Nhường đường cho người đi bộ, xe ưu tiên, hoặc xe đi từ hướng ưu tiên thể hiện sự tôn trọng và tạo điều kiện cho họ di chuyển an toàn. 

Nâng cao ý thức: Việc nhường đường thường xuyên giúp người tham gia giao thông hình thành thói quen tốt, nâng cao ý thức về an toàn giao thông. 

Những quy định về nhường đường khi tham gia giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh những xung đột, tai nạn có thể xảy ra khi các phương tiện tham gia giao thông được bộ. Nhường đường khi tham gia giao thông còn thể hiện nếp sống văn minh, ý thức nhường nhịn và hoạt động tham gia giao thông có văn hóa và trong vòng trật tự. 

Tuy nhiên trong thời gian qua cho thấy ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông nhiều lúc nhiều nơi vẫn còn chưa tốt. Những trường hợp vi phạm giao thông như không nhường đường cho xe ưu tiên, không nhường đường khi chuyển hướng, không nhường đường cho xe xin vượt, … nhiều trường hợp gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. 

Hãy xây dựng văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông xem đây là một hành vi quan trọng giúp đảm bảo an toàn trên đường, đồng thời giảm thiểu tắc đường và tai nạn. Nó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và góp phần vào một môi trường giao thông an toàn và thông suốt. 

Hưởng ứng chủ đề An toàn giao thông năm 2025 “HÀNH TRÌNH AN TOÀN – KIẾN TẠO TƯƠNG LAI”

LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT GIAO THÔNG CÁT LÁI

Khi người dân có thông tin, hình ảnh về vụ việc vi phạm, tai nạn, ùn ứ giao thông hoặc cần phản ánh về tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn Thành phố, có thể liên hệ qua:

- Số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 0693 187.521;

- Số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08;

- Địa chỉ hộp thư điện tử: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn;

Hoặc Trang Zalo official account “Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh để Phòng CSGT tiếp nhận và xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng./.

Bình luận: ()


Tối đa: 1000 ký tự

    Tin đã đưa

    • DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG
    • Thư viện video
    LIÊN KẾT WEBSITE
    Thống kê truy cập

    Đang truy cập:

    Tổng: