Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để chào mừng sự kiện trọng đại, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước, Thành phố đã có nhiều hoạt động kỷ niệm với quy mô lớn được tổ chức như: lễ diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa nghệ thuật, chương trình nghệ thuật đặc biệt, triển lãm, hội thảo và các hoạt động tri ân người có công với cách mạng… Các hoạt động đã thu hút một lượng lớn người dân từ khắp nơi tề tựu về Thành phố, dẫn đến lượng người và phương tiện đổ về trung tâm, cũng như các tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ ra-vào Thành phố tăng cao đột biến.
Tình hình nói trên đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với lực lượng CSGT, CATP.HCM. Để Nhân dân có được những chuyến hành trình an toàn với niềm vui trọn vẹn và để góp phần cho công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm của Thành phố được diễn ra an toàn, thuận lợi, Phòng CSGT, CATP.HCM đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, từ việc tăng cường quân số, bố trí các chốt kiểm soát tại các điểm nóng giao thông, đến việc tuần tra, kiểm soát (TTKS) 24/24h trên các tuyến đường trọng điểm, tất cả đều nhằm mục tiêu cao nhất là đảm bảo TTATGT, phòng ngừa ùn tắc giao thông (UTGT) và tai nạn giao thông (TNGT).
(CSGT lập biên bản xử phạt một tài xế xe buýt vi phạm giao thông)
Theo đó, trên các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT, tập trung 06 chuyên đề cụ thể: (1) Vi phạm nồng độ cồn, ma túy; (2) Vi phạm cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định; (3) Vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ), đi không đúng phần đường, làn đường quy định, đi ngược chiều, tránh vượt, không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau; (4) Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, lạng lách, đánh võng,... đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; (5) Lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và việc lắp đặt, hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe; (6) Lứa tuổi học sinh vi phạm TTATGT.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng đã bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để bảo đảm TTATGT trên các đoạn nhánh ra, vào cao tốc TP.HCM - Dầu Giây; cao tốc TP.HCM - Trung Lương an toàn, thông suốt.
Trên các tuyến giao thông đường thủy, tập trung kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động của phương tiện (điều kiện hoạt động; thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện công dụng, vùng hoạt động; niên hạn sử dụng; hoán cải); hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện (trách nhiệm chủ phương tiện, người thuê phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện; sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn); quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; quy định về vận tải đường thủy nội địa (vận chuyển người, hành khách; xếp, dỡ hàng hoá; chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; hàng hóa nguy hiểm, siêu trường, siêu trọng).
Đặc biệt, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt, Phòng CSGT sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các loại tội phạm: cướp, cướp giật, buôn bán, vận chuyển ma túy, chất nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ… và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi người dân có thông tin, hình ảnh về vụ việc vi phạm, tai nạn, ùn ứ giao thông hoặc cần phản ánh về tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn Thành phố, có thể liên hệ qua:
- Số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 0693 187.521;
- Số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08;
- Địa chỉ hộp thư điện tử: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn;
Hoặc Trang Zalo official account “Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh để Phòng CSGT tiếp nhận và xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng./.
-