Theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo:
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Người dân cần lưu ý: các loại pháo hoa nổ thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp Tết, lễ lớn theo kế hoạch của Nhà nước.
(Ảnh: Thành phố Hồ Chí Minh bắn pháo hoa mừng năm mới 2025)
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các dịp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tuy nhiên, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng và không được sử dụng pháo nổ hay pháo hoa nổ.
Việc sử dụng pháo trái phép sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Theo đó:
1. Các hành vi xử lý hành chính:
Theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự,an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy,cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:
- Hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép: phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (điểm i khoản 3, điểm a khoản 7 Điều 11).
- Hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo: phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp (điểm e khoản 4, điểm c khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11).
2. Các trường hợp có thể bị xử lý hình sự:
- Căn cứ khoản 1, mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an – Viện Kiểm sát nhân dân – Tòa án nhân dân tối cao và khoản 1, Điều 318 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với một trong các trường hợp:
+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;
+ Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;
+ Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
- Căn cứ khoản 2, mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an – Viện Kiểm sát nhân dân – Tòa án nhân dân tối cao và Khoản 2, Điều 318 - Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:
+ Đã bị kết án về tội “gây rối trật tự công cộng”;
+ Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;
+ Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.
- Đối với người đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sử dụng pháo trái quy định của pháp luật là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, nổ, làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhân dân. Phòng CSGT, Công an TP.HCM đề nghị người dân chấp hành nghiêm quy định về sử dụng pháo để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 an vui, hạnh phúc. Đừng để những hệ lụy từ hành vi sử dụng pháo trái quy định của pháp luật làm mất đi sự may mắn, tốt đẹp của năm mới./.
-