Trang thông tin điện tử Phòng cảnh sát giao thông TPHCM
Tin giao thông

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh là trách nhiệm không của riêng ai 31/10/2024

Hiện nay, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe máy đến trường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, đi hàng ngang trên đường bộ, không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông... vẫn diễn ra phổ biến

Hậu quả từ hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nói trên là những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra, khiến cho các em học sinh phải mang di chứng, thương tật suốt đời, thậm chí cướp đi sinh mạng quý báu của các em, để lại nỗi đau đớn, ám ảnh không nguôi đối với nhiều người, nhiều nhà. Không chỉ có gia đình, người thân của các em mới chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng đau cùng với nỗi đau chung đó.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh thì trước hết phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho các em. Và trách nhiệm này không chỉ thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng Công an mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có gia đình, nhà trường và chính bản thân mỗi học sinh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả trong công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông giữa nhà trường và gia đình học sinh hiện nay vẫn còn hạn chế. Nhiều trường học chưa có biện pháp hiệu quả để giáo dục học sinh về an toàn giao thông. Nhiều phụ huynh cũng chưa chú trọng đến việc giáo dục cho con em về chấp hành Luật Giao thông; thậm chí, bản thân một số phụ huynh còn nêu gương xấu về việc không tuân thủ pháp luật về giao thông.

Do đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh, thì trước hết các bậc phụ huynh cần phải là tấm gương tốt về chấp hành quy định về an toàn giao thông cho con em mình noi theo, cần dành thời gian quan tâm, dạy dỗ, chỉ ra cho các em thấy hậu quả từ việc không chấp hành Luật Giao thông. Các bậc phụ huynh cũng cần cương quyết trong việc không giao xe hoặc để cho con em mình điều khiển xe khi chưa đủ độ tuổi cũng như chưa có Giấy phép lái xe theo quy định; nhắc nhở các em phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường bộ, mặc áo phao khi đi trên đường thuỷ...

Về phía nhà trường, bên cạnh việc chủ động trang bị kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh, thực hiện lồng ghép tuyên truyền vào các buổi chào cờ đầu tuần; tổ chức mời các chuyên gia về an toàn giao thông đến để nói chuyện với các em; đưa việc chấp hành pháp luật về giao thông làm một tiêu chí để đánh giá đạo đức, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh; tổ chức cho học sinh, giáo viên ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông; không nhận giữ xe cho học sinh chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như: website, facebook… của nhà trường để đăng tải thông tin, hình ảnh, thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông; tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông để tạo không khí thi đua và góp phần giáo dục cho học sinh nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần tính toán, sắp xếp thời gian hợp lý để phụ huynh đưa đón các em, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường. Ngoài ra, nhà trường cần có sự trao đổi thường xuyên với phụ huynh về các hoạt động giáo dục an toàn giao thông và tình hình học sinh vi phạm Luật Giao thông để có biện pháp giáo dục phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.

Việc giáo dục về an toàn giao thông cần phải được thực hiện xuyên suốt ở tất cả các cấp học từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học nhằm hình thành thói quen, nếp nghĩ, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông ăn sâu trong mỗi người.

Mặt khác, các trường cần tích cực phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Phường và Đoàn thanh niên phường… triển khai có hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

Về phía học sinh, các em cần phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác cùng tham gia giao thông trên đường. Hơn ai hết, các em phải tự ý thức được việc chấp hành Luật Giao thông, tích cực tham gia xây dựng văn hóa giao thông không chỉ bằng những lời nói mà cả bằng hành động cụ thể, thiết thực để góp phần kéo giảm TNGT; đồng thời, tuyên truyền vận động người thân và bạn bè thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

(Cảnh sát giao thông phối hợp với trường học tuyên truyền, nâng cao
ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh)

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để kéo giảm tối đa TNGT liên quan đến học sinh. Trong đó, bên cạnh việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thì lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố thường xuyên phối hợp với các trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Qua đó, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông cho học sinh, hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh TNGT và giúp các em nhận thức được việc tuân thủ Luật Giao thông không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Khi người dân có thông tin, hình ảnh về vụ việc vi phạm, tai nạn, ùn ứ giao thông hoặc cần phản ánh về tình hình TTATGT, tình hình tội phạm trên các tuyến giao thông trên địa bàn Thành phố, có thể liên hệ qua:

- Số điện thoại trực ban Phòng CSGT: 0693 187.521;

- Số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326 08.08.08;

- Địa chỉ hộp thư điện tử: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn;

Hoặc Trang Zalo official account “Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh để Phòng CSGT tiếp nhận và xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng./.

Bình luận: ()


Tối đa: 1000 ký tự

    Tin đã đưa

    • DỊCH VỤ HÀNH CHÍNH CÔNG
    • Thư viện video
    LIÊN KẾT WEBSITE
    Thống kê truy cập

    Đang truy cập:

    Tổng: