Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định rõ các nguyên tắc chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ, các trường hợp phải giảm tốc độ. Cụ thể như:
- Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe (thuộc chủng loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng) được ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Tại những đoạn đường không bố trí biển báo hạn chế tốc độ, không bố trí biển báo khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện theo các quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 11 của Thông tư này. Trong một số trường hợp, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông.
- Đối vối các trường hợp giảm tốc độ thì Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có quy định rõ 12 trường hợp người điểu khiển phương tiện phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một các an toàn mà người tham giao thông cần lưu ý.
Tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải đã có sự thay đổi về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường bộ mà người tham gia giao thông cần lưu ý, đó là:
Trong khu vực đông dân cư:Các phương tiện xe cơ giới, trừ các xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ được phép lưu thông với tốc độ tối đa không vượt quá 60 km/h khi lưu thông trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên và không được vượt quá 50 km/h khi lưu thông trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Ngoài khu vực đông dân cư: Tùy theo từng loại phương tiện mà tốc độ tối đa cho phép trên từng loại đường có những quy định khác nhau. Tuy nhiên, không có nhiều sự thay đổi so với Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, riêng đối với loại phương tiện là ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô trộn xi téc hạn chế tốc độ tối đa không được vượt quá 60km/h khi lưu thông trên đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên và không được vượt quá 50 km/h khi lưu thông trên đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) thì tốc độ tối đa khi tham gia giao thông là không quá 40km/h.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường, ngoài việc tuân thủ tốc độ người điều khiển phương tiện cần phải giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường. Cụ thể:
- Khi điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.
- Khi tốc độ lưu thông là 60 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 mét.
- Khi tốc độ lưu thông từ 60 km/h đến 80 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét.
- Khi tốc độ lưu thông từ 80 km/h đến 100 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét.
- Khi tốc độ lưu thông từ 100 km/h đến 120 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét.
Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định như đã nêu trên.
Nhóm biên tập tin hoạt động khác
-