Hằng năm, nhiều tổ chức nhà nước và cá nhân đã tổ chức các đợt thả cá xuống kênh nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra cảnh quan đẹp cho dòng kênh và cho thành phố.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn môi trường sống cho các loài cá được thả, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cấm sử dụng chất nổ, xung điện và các chất độc để khai thác thủy sản. Thế nhưng, dù hai bên bờ tuyến kênh đã treo bảng cấm nhưng một số người dân vẫn phớt lờ. Đặc biệt, những đợt nước cạn, nhiều đối tượng đã dùng kích điện để đánh bắt cá dưới kênh với số lượng lớn. Đây là cách đánh bắt tận diệt, có tác hại lâu dài, khiến nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, tác động xấu đến hệ sinh thái môi trường, ngoài ra, còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.
Trước tình hình trên, Đội Cảnh sát đường thủy – Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trạm Quản lý đường thuỷ số 4 - Trung tâm Quản lý đường thuỷ nội địa - Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức treo băng rôn tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của việc sử dụng kích điện, xung điện… để khai thác, đánh bắt thủy sản; tuyên truyền Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05/04/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Từ đó, phát động phong trào toàn dân tham gia công tác phục hồi, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; giữ gìn cảnh quan đô thị sạch đẹp, văn minh.
CBCS Đội Cảnh sát đường thủy treo các băng rôn tuyên truyền
trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Trong thời gian tới, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ phối hợp cùng với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật. Hướng tới dần chấm dứt tình trạng dùng các công cụ, phương thức đánh bắt trái quy định của pháp luật trên địa bàn đảm trách.
Song song với đó, vai trò chủ động phát hiện, tố giác của người dân là rất quan trọng để những người hành nghề này từ bỏ đánh bắt tận diệt, góp phần duy trì bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan đẹp cho Thành phố.
Mọi phản ánh, thông tin về tình hình TTATGT, người dân vui lòng liên hệ Trang Zalo Official Account "Phòng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh" hoặc liên hệ trực tiếp với Đội Cảnh sát đường thủy qua số điện thoại: 028.36208255./.
-